Truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn của GS1 Toàn cầu

12:05 - 04/10/2024 40

Tiêu chuẩn Truy xuất nguồn gốc GS1 là ngôn ngữ thương mại chung giúp xác định các quy tắc và yêu cầu tối thiểu khi thiết kế hệ thống TXNG giúp kết nối hiệu quả tất cả các bên trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thức thách rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước khi ngày càng nhiều các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Bên cạnh đó, để có thể xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường quốc tế, cần thiết phải đáp ứng các yêu cầu và quy định chuyên biệt trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc
Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam còn hạn chế

Để giải quyết vấn đề trên, ngày càng nhiều các giải pháp truy xuất nguồn gốc ra đời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm rõ ràng.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC), các hệ thống TXNG Việt Nam hiện nay thường không có khả năng liên kết với hệ thống TXNG khác. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc người dùng chưa có nhận thức đúng mực về truy xuất nguồn gốc và cách thức hoạt động của các hệ thống. Tem truy xuất vẫn chưa được chuẩn hoá về nội dung, hình thức và sử dụng mã nội bộ chỉ có khả năng truy xuất nguồn gốc trong cùng hệ thống và không có sự quản lý, điều phối chung. Do đó, dễ xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống TXNG khác nhau.

Bên cạnh đó, các hệ thống TXNG vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu lưu trữ thông tin theo nguyên tắc “một bước trước một bước sau” hay khả năng kết nối, tương tác và trao đổi thông tin giữa các bên trong chuỗi cung ứng khi có nhu cầu còn thấp. Đa phần các hệ thống này chỉ đang đáp ứng các yêu cầu TXNG nội bộ của doanh nghiệp, thay thế cho việc ghi chép dữ liệu bằng tay.

Truy xuất nguồn gốc phù hợp tiêu chuẩn GS1

Trước sự thiếu vắng quy chuẩn chung cho hoạt động TXNG, Bộ Khoa học và Công nghệ đang từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ việc quản lý về TXNG sản phẩm, hàng hoá tại các nhà sản xuất, doanh nghiệp. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố  20 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trong lĩnh vực TNXG, trong đó có “TCVN 13274:2020 – Truy xuất nguồn gốc – Hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết” nhằm hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết trong hệ thống TXNG gốc vật phẩm, hàng hóa dựa trên tiêu chuẩn GS1.

Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc GS1

GS1 là một tổ chức trung lập, hoạt động không vì lợi nhuận, chuyên xây dựng và phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ và giải pháp toàn cầu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung cầu bằng cách bổ sung thêm các thông tin hữu ích cho bất kỳ trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ nào. GS1 có hơn 30 năm kinh nghiệm và có mặt trên 150 quốc gia trên thế giới.

Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu GS1 được GS1 nghiên cứu và xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu được cách thức, thiết kế và hiện thực các ứng dụng truy xuất nguồn gốc bằng cách sử dụng dữ liệu truy xuất nguồn gốc được tiêu chuẩn hoá. 

Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu GS1 sẽ cung cấp một bộ các tiêu chuẩn đầy đủ theo nguyên tắc định danh (Identify), ghi nhận (Capture) và chia sẻ (Share) thông tin về đối tượng xuyên suốt vòng đời của nó, bao gồm:

  • Quá trình sản xuất và chế biến nguyên liệu thành phần thành sản phẩm
  • Tập hợp và phân tách các sản phẩm và liên kết với tài sản (ví dụ: Sản phẩm có thể trả lại)
  • Vận chuyển và phân phối, bao gồm thương mại xuyên quốc gia
  • Bảo trì, sửa chữa theo chu kỳ sử dụng hoặc điều khoản dịch vụ của sản phẩm 
  • Tiêu thụ sản phẩm, phân phối và quản lý
  • Thu hồi, xử lý hoặc tái chế sản phẩm

Hệ thống tích hợp các tiêu chuẩn của GS1 là nền tảng/cơ sở cho việc phân định và kết nối chính xác các thông tin liên quan đến sản phẩm, tài sản, dịch vụ và địa điểm. Hướng tới đạt được mục đích liên thông giữa các hệ thống khác nhau.

Các tiêu chuẩn GS1 cụ thể hỗ trợ khả năng hiển thị từ đầu đến cuối từ nguồn đến người tiêu dùng bao gồm Mã số địa điểm toàn cầu (GLN), Mã Côngtenơ vận chuyển theo sêri (SSCC), Mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN),…

Số phân định đơn nhất toàn cầu GS1

Tất cả các vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc phải mang một mã phân định đơn nhất toàn cầu ngay trên vật phẩm, hoặc ít nhất cũng ở trên vật chứa nó hoặc trong tài liệu kèm theo.

Ngoài hệ thống mã số mã vạch và cách thức định danh cho đối tượng cần truy vết, tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu GS1 còn cung cấp các yêu cầu về dữ liệu để có thể truy xuất nguồn gốc hiệu quả. Các yêu cầu này dựa trên mô hình 5W (Who, What, When, Where, Why).

Các yêu cầu dữ liệu tối thiểu cho truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn GS1

Để có quá trình Truy xuất nguồn gốc toàn cầu cần phải xác định và thu thập tất cả dữ liệu Truy xuất nguồn gốc trong và ngoài tổ chức theo một ngôn ngữ chung. Các thông tin và yếu tố dữ liệu tối thiểu phải có bao gồm: 

  • Sự kiện truy xuất quan trọng (CTEs – Critical Tracking Events) 

Đây là các công đoạn thực tế cần thiết nhất trong quá trình sản xuất ra sản phẩm (Nguyên liệu, Chế biến, Đóng gói, Vận chuyển,…)

  • Thành phần dữ liệu chính (KDEs – Key Data Elements)

Đây là những dữ liệu mô tả chi tiết cho Sự kiện truy xuất quan trọng (CTE), tuân thủ theo nguyên tắc 5W (Who, What, Where, When, Why) 

    • Đối tác truy xuất nguồn gốc(Who): Mã truy vết bên gửi bên/bên nhận (mã GLN)
    • Sản phẩm truy xuất nguồn gốc(What): Số phân định thương phẩm (mã GTIN), Mô tả thương phẩm (GDD), lượng thương phẩm, số lô/số phân định đơn vị logistics (mã SSCC)/số phân định vận chuyển
    • Địa điểm đến và đi sản phẩm truy xuất nguồn gốc (Where): Số phân định “vận chuyển từ” hoặc “vận chuyển đến” (mã GLN).
    • Thời gian gửi và nhận sản phẩm truy xuất nguồn gốc (When): Ngày nhận và/ hoặc ngày gửi phụ thuộc vào vai trò tương ứng của các bên (DESADV)
    • Chi tiết quá trình truy xuất nguồn gốc (Why)
  • Độ chính xác của dữ liệu truy xuất nguồn gốc được xác định bởi hai yếu tố chính:
    • Mức độ xác định đối tượng truy xuất nguồn gốc (sản phẩm và nguồn nguyên liệu),
    • Mức độ chi tiết mà tại đó dữ liệu truy xuất nguồn gốc được ghi lại.
  • Chất lượng của dữ liệu truy xuất nguồn gốc được xác định thông qua các khía cạnh 
    • Tính đầy đủ: Tất cả các dữ liệu liên quan đều được ghi lại 
    • Độ chính xác: Dữ liệu ghi nhận phản ánh chính xác thực tế 
    • Tính nhất quán: Dữ liệu ghi nhận được điều chỉnh để đảm bảo đồng nhất giữa các hệ thống
    • Tính hiệu lực: Dữ liệu được ghi nhận theo khung thời gian hiệu lực
Chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn GS1 

Việc cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho các đối tác trong chuỗi cung ứng hoặc các bên liên quan khác được thực hiện theo 5 mô hình truy xuất nguồn gốc chính 

  • Mô hình “một bước trước – một bước sau”: các bên lưu dữ liệu truy xuất nguồn gốc trong hệ thống nội bộ. Các yêu cầu thông tin được trao đổi trực tiếp giữa các đối tác thương mại liền kề cùng lúc. 
  • Mô hình “tập trung”: các bên chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc được lưu trong kho lưu trữ dữ liệu trung tâm và gửi yêu cầu thông tin của họ tới kho lưu trữ đó.
  • Mô hình “mạng lưới”: các bên lưu trữ dữ liệu truy xuất trong hệ thống nội bộ của họ và cho phép tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng (không chỉ các đối tác thương mại trực tiếp) truy vấn dữ liệu.
  • Mô hình “Lũy tích: là một phương pháp cộng dồn trong đó dữ liệu truy xuất nguồn gốc được tăng cường một cách có hệ thống và được thêm vào bên tiếp theo trong chuỗi song song với dòng sản phẩm. Nó cho phép chia sẻ dữ liệu ngược dòng với các bên ở hạ lưu chuỗi, nhưng không phải đối xứng.
  • Mô hình “Phi tập trung”: là sự kết hợp giữa mô hình “luỹ tích” và mô hình “mạng lưới”, điển hình đối với Blockchain. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc được tăng cường một cách có hệ thống và tất cả các đối tác chuỗi cung ứng tham gia vào mạng đều giữ một bản sao nội bộ của tất cả dữ liệu.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn GS1

Một hệ thống truy xuất nguồn gốc hoàn thiện sẽ bao gồm các thành phần quản lý:

  • Xác định, đánh dấu và phân bổ các đối tượng, bên và địa điểm có thể truy xuất.
  • Ghi nhận tự động (thông qua quét hoặc đọc) các biến động hoặc sự kiện liên quan đến một đối tượng.
  • Ghi lại và chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc, nội bộ hoặc với các bên trong chuỗi cung ứng, cho phép khả năng hiển thị thực tế đã xảy ra.
Quá trình Truy xuất nguồn gốc tiêu chuẩn toàn cầu GS1

Quá trình được cấu thành từ 5 tiểu quá trình và 18 bước

  • Tiểu quá trình 1: Kế hoạch và tổ chức 
    • Bước 1: Xác định cách cấp, thu thập, chia sẻ và lưu dữ liệu truy xuất nguồn gốc
    • Bước 2: Xác định cách quản lý các mắt xích giữa đầu vào, các bước xử lý bên trong và đầu ra
  • Tiểu quá trình 2: Sắp xếp dữ liệu gốc
    • Bước 3: Cấp mã số phân định cho các bên
      Các bên tham gia Truy xuất nguồn gốc phải được phân định đơn nhất trên toàn cầu theo tiêu chuẩn GS1 (mã GLN)
    • Bước 4: Cấp mã số phân định cho các địa điểm tự nhiên
      Bất kỳ địa điểm bên trong hay bên ngoài nào cần truy xuất PHẢI được phân định một cách đơn nhất và toàn cầu theo tiêu chuẩn GS1 (mã GLN)
    • Bước 5: Cấp mã số phân định cho tài sản
      Bất kỳ tài sản nào cần lần theo vết hoặc truy xuất PHẢI được phân định một cách đơn nhất và toàn cầu theo tiêu chuẩn GS1 (mã GIAI/mã GRAI)
    • Bước 6: Cấp mã số phân định cho thương phẩm
      Bất kỳ thương phẩm nào cần truy xuất hoặc lần vết PHẢI được phân định một cách duy nhất và toàn cầu theo tiêu chuẩn GS1 (mã GTIN)
    • Bước 7: Trao đổi dữ liệu gốc
  • Tiểu quá trình 3: Ghi chép dữ liệu truy xuất nguồn gốc
    • Bước 8: Phân chia số phân định cho vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc khi nó được tạo ra
    • Bước 9: Áp dụng phân định cho vật mang số phân định trên vật phẩm
      Các tiêu chuẩn GS1 tương ứng khi sử dụng mã vạch
      Các tiêu chuẩn GS1 tương ứng khi sử dụng RFID
    • Bước 10: Số phân định của vật phẩm truy xuất nguồn gốc hoặc tài sản chứa nó từ vật mang số phân định khi gửi và nhận vật phẩm có thể truy xuất nguồn gốc
    • Bước 11: Thu thập các dữ liệu khác bao gồm thông tin truy xuất nguồn gốc từ các nguồn bên ngoài và bên trong bằng mọi phương thức
    • Bước 12: Chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc tương ứng: gửi thông tin bằng mọi phương pháp
    • Bước 13: Lưu giữ dữ liệu truy xuất nguồn gốc
  • Tiểu quá trình 4: Yêu cầu truy xuất 
    • Bước 14: Đề xướng yêu cầu truy xuất
    • Bước 15: Nhận yêu cầu truy xuất
    • Bước 16: Gửi câu trả lời cho việc truy xuất đã yêu cầu
    • Bước 17: Nhận câu trả lời cho truy xuất đã yêu cầu
  • Tiểu quá trình 5: Sử dụng thông tin 
    • Bước 18: Hành động
Tổng kết 

Tuân theo hệ thống tiêu chuẩn TXNG giúp doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách hiệu quả, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng và đáp ứng các yêu cầu đặt ra tại các thị trường quốc tế khó tính như EU, Mỹ,…. Từ đó hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn và bền vững. 

Nhờ vào việc áp dụng chung một hệ thống về tiêu chuẩn GS1, giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối với các hệ thống TXNG khác, thuận lợi cho việc tương tác, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các hệ thống TXNG khác nhau và kết nối hiệu quả với Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc hàng hoá Quốc gia.

* MỘT SỐ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN GS1 TOÀN CẦU
❖ Thông tin chung:
- GS1 là một tổ chức trung lập, hoạt động không vì lợi nhuận, chuyên xây dựng và phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ và giải pháp toàn cầu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung cầu bằng cách bổ sung thêm các thông tin hữu ích cho bất kỳ trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ nào

- Mã số: Là dãy số hoặc chữ dùng để định danh sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân.
- Mã vạch: Là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: (1) loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); (2) tập hợp điểm (data matrix, QR code và các mã vạch hai chiều khác); (3) chip nhận dạng qua tần số vô tuyến như RFID, NFC và các công nghệ nhận dạng khác.

❖ Lịch sử hình thành:
- 8:01 sáng ngày 26/6/1974

Sản phẩm sử dụng mã vạch lần đầu tiên trên thế giới đã được quét
Năm 1995, Việt Nam gia nhập tổ chức mã số mã vạch quốc tế EAN.

- 2005: 02 tổ chức mã vạch lớn nhất thế giới bấy giờ EAN và UCC kết hợp với nhau và đổi tên là GS1. EAN Việt Nam đổi tên thành GS1 Vietnam
- NGÀY NAY!
• GS1: có hơn 117 tổ chức thành viên trên toàn thế giới

• 6 tỷ lượt quét mỗi ngày
• Phát triển trên mọi lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, vận chuyển, lưu trữ, chăm sóc sức khỏe, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ hải quan…
❖ Tên gọi và ý nghĩa:

 Note: Các thông tin Mã số mã vạch được hơn 117 đơn vị/quốc gia thành viên thừa nhận
❖ GS1 Việt Nam:
- Tiền tố mã Quốc gia Việt Nam “893”: Do tổ chức GS1 cấp cho GS1 Việt Nam.
- Hiện có hơn 70 nghìn Doanh nghiệp sản xuất đăng ký MSMV tại VN